Thân phận Gia_Luật_Bội

Gia Luật Bội sinh năm 899, trước khi Đại Khiết Đan Quốc được thành lập (chính quyền sau này trở thành nhà Liêu). Cha ông là tù trưởng Gia Luật A Bảo Cơ, và mẹ của ông là Thuật Luật Bình; ông là trưởng tử. Trong Liêu sử, ông được mô tả là thông minh và chăm chỉ khi còn trẻ tuổi, với một phong thái thanh thản và một tấm lòng yêu thương.[1]

Năm 916, khi Gia Luật A Bảo Cơ xưng làm hoàng đế của Đại Khiết Đan Quốc, tức Liêu Thái Tổ,[3] ông đã lập Gia Luật Bội làm hoàng thái tử. Khi Thái Tổ hỏi các tùy tùng của mình rằng nên cúng tế cho vị thần thánh nào trước tiên khi trở thành hoàng đế, tùy tùng của ông phần lớn đều tán thành cúng tế Phật. Khi Thái Tổ hoàng đế chỉ ra rằng Phật không phải là một thần thánh Trung Hoa, Gia Luật Bội đã tán thành cúng tế Khổng Tử trước tiên. Thái Tổ hài lòng với ý kiến này và đã cho xây một đền thờ Khổng Tử, sai Gia Luật Bội đến cúng tế Khổng Tử hai lần mỗi năm.[1]

Gia Luật Bội sau đó phụng sự như một chỉ huy tiền tuyến của Thái Tổ trong các chiến dịch chống lại người Ô Cổ (烏古) và người Đảng Hạng. Sau đó, trong các cuộc xâm nhập mà Thái Tổ hoàng đế thực hiện vào nước Tấn của người Sa Đà, đặc biệt là Lô Long (盧龍, sở chỉ huy đặt tại Bắc Kinh ngày nay) — ông ta đã để Gia Luật Bội trông nom kinh thành Lâm Hoàng[4] của Khiết Đan. Trong thời gian này, Gia Luật Bội được cho là đã phác thảo một kế hoạch chinh phục vương quốc Bột Hải, nước láng giềng phía đông của Khiết Đan.[1]